Danh tiếng BIG4
Big4 là cách gọi quen thuộc của 04 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới về quy mô và doanh thu, bao gồm:
- PriceWaterhouseCoopers (PWC)
- Deloitte Touche Tohmatsu (Deloitte)
- Ernst and Young (E&Y)
- KPMG
Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, các hãng được coi là big4 đã hình thành từ khi kiểm toán còn sơ khai. Họ phát triển cùng với sự phát triển của nghề kiểm toán độc lập. Cái tên Deloitteđã trở nên quen thuộc với thế giới đã hơn 150 năm kể từ ngày William Welch Deloitte, một trong những cha đẻ của ngành công nghiệp kiểm toán, thành lập hàng kiểm toán chuyên nghiệp trên đường Basinghall Street tại London.
Năm 1854, William Cooper bắt đầu hoạt động kinh doanh của mình và bảy năm sau trở thành Cooper Brothers. Năm 1874 Công ty được đổi tên thành Price, Waterhouse & Co sau khi có sự tham gia của Price, Holyland và Waterhouse. PriceWaterHouseCoopers bắt đầu như thế.
E&Y chính là tên của hai người hoàn toàn khác biệt A.C. Ernst and Arthur Young, được thành lập từ năm 1903.
Thế còn KPMG? “K” có nghĩa là do Piet Klynveld thành lập hãng Klynveld Kraayenhof & Co. tại Amsterdam vào năm 1917. “P” có nghĩa là do William Barclay Peat lập ra William Barclay Peat & Co. tại London năm 1870. “M” bắt nguồn từ James Marwick lập ra Marwick, Mitchell & Co. với Roger Mitchell tại New York vào năm 1897. “G” là do Tiến sỹ Reinhard Goerdeler, nhiều năm làm chủ tịch của KPMG, có công hợp nhất thành KPMG ngày nay.
Danh tiếng của 4 đại gia này được nâng dần lên cùng thời gian và năm tháng, và cùng với danh tiếng đó là lợi nhuận khổng lồ mà không phải công ty nào cũng có thể có được. PricewaterhouserCoopers là một ví dụ. Các partner của công ty này hiểu rằng cái chính mà họ có là danh tiếng chứ không hẳn là dịch vụ kiểm toán hay tư vấn nào khác, đã vượt qua các đối thủ nặng ký khác trong cuộc đua tranh giành quyền kiểm phiếu cho giải Oscar và công khai mở một loạt dịch vụ kiểm toán trong nhiều lĩnh vực. Một thực tế là hàng trăm công ty kiểm toán lớn nhỏ trên thế giới có thể lập các báo cáo tài chính xuất sắc với các ý kiến tư vấn không kém gì Big4, vậy nhưng các khách hàng lại sẵn sàng móc hầu bao “chi đẹp” cho các dịch vụ của Big4 để mua thêm danh tiếng của họ về cho mình.
Có thể nhận định rằng, danh tiếng của mỗi một công ty kiểm toán thuộc Big4 đáng giá hàng tỷ dollar. Tuy nhiên, cũng thật thú vị khi biết rằng, không một công ty kiểm toán nào trong số này lọt vào Top 75 best brands do Hãng Interbrand tổ chức bình chọn, mặc dù nếu tính về số lượng nhân viên cũng như lợi nhuận thu được thì các thành viên thuộc Big4 đáng lẽ ra phải là những công ty dẫn đầu.
Quy trình tuyển dụng Big4:
- Big4 tuyển các chuyên ngành sau: kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng, và các chuyên ngành kinh tế khác nhưng có trình độ về KẾ TOÁN. Do đó học kế toán là một lợi thế chứ không phải là hạn chế so với các bạn học kiểm toán.
- Anh văn cần giao tiếp và viết. IELTS cỡ 6.0, Toefl 500 là quá ổn
>> Sơ qua về nghề kiểm toán: Kiểm toán là một nghề sử dụng nhiều các suy luận rất đời thường (Common sense). Do đó, tư duy logic của bạn rất quan trọng. Các bạn học kiểm toán trong trường đại học sẽ có được kiến thức căn bản về kiểm toán. Nhưng ra thực tế, các bạn sẽ cảm thấy rất mơ hồ, chưa biết bắt đầu như thế nào.
Do đó, Big4 yêu cầu kiến thức kế toán thật vững, khả năng tư duy tốt. Họ sẽ đào tạo phương pháp kiểm toán chuẩn cho các bạn. Ngoài kiến thức ra Big4 còn yêu cầu rất nhiều tố chất khác nữa.
Thông thường sẽ thi ít nhất 3 vòng đối với các thí sinh đã qua vòng hồ sơ.
Ernst & Young: gồm 3 vòng: Hồ sơ, Test (nghiệp vụ, kiến thức xã hội và bài luận ngắn) và Phỏng vấn cá nhân.
Deloitte: gồm 4 vòng: Hồ sơ, Test (nghiệp vụ và bài luận ngắn), Phỏng vấn nhóm và Phỏng vấn cá nhân.
KPMG: gồm 5 vòng: Hồ sơ, Test (tiếng Anh, IQ, EQ), Phỏng vấn với HR, Work simulation và Phỏng vấn cá nhân.
PricewaterhouseCooper: gồm 4 vòng: Hồ sơ, Test (tiếng Anh, phân tích số liệu và bài luận ngắn), Phỏng vấn nhóm và Phỏng vấn cá nhân.
Muốn vượt qua vòng nộp hồ sơ thì bạn cần có một bộ hồ sơ ấn tượng. Điểm số cao là một ưu điểm thuận lợi nhưng điều này không có nghĩa là những bạn tổng kết chưa đến 8.0 là không có cơ hội. Nếu điểm số không cao thì bạn phải chăm chút những điểm mạnh khác của bạn như kinh nghiệm làm việc thực tế, bằng cấp chứng chỉ khác kèm theo. Ở lĩnh vực kế toán kiểm toán, Big 4 đặc biệt coi trọng chứng chỉ CAT và ACCA do hiệp hội kế toán công chứng vương quốc Anh cấp.
>> Lời khuyên cho các bạn là chuẩn bị một CV thật kỹ lưỡng, nhưng ngắn gọn (thường khoảng 2-3 trang A4, font chữ 12). CV cần nêu bật được những điểm mạnh của mình, những thành tựu mà bạn đã đạt được trong quá trình học tập, trong quá trình công tác (nếu có). CV cần nêu ngắn gọn một số điểm yếu, nhưng kèm theo phương pháp và kế hoạch khắc phục (chú ý không nên nhấn mạnh vào điểm yếu).
Bạn cần chuẩn bị trong hồ sơ một thư xin việc nêu mong muốn và "khát vọng" được làm việc cho Big4, bày tỏ sự tự hào của mình nếu trở thành nhân viên của Big4.
Hai thứ này chắc chắn sẽ nằm trước mặt người phỏng vấn khi họ phỏng vấn bạn.
Còn vấn đề bạn học và tốt nghiệp trường nào cũng không quá quan trọng. Cho dù bạn học Công đoàn hay Phương Đông, cái chính là kiến thức và khả năng của bạn hiện có.
Vòng testing:
Để chuẩn bị cho vòng testing của Big4, đối với Ernst & Young và Deloitte, các bạn sinh viên nên ôn lại kiến thức nghiệp vụ (có thể tham khảo các sách ACCA F3, ACCA F6, ACCA F8, CAT T8, sách Kiểm toán của Đại học Kinh Tế TP.HCM,…). Ngoài ra, kiến thức xã hội và kĩ năng viết bài luận ngắn cũng là một phần rất quan trọng trong vòng này. Đối với KPMG và PricewaterhouseCooper, vòng testing không chú trọng nhiều đến nghiệp vụ mà sẽ kiểm tra khả năng ngoại ngữ, phân tích dữ liệu, IQ và EQ. Các bạn sinh viên có thể tìm hiểu thêm về các đề thi tuyển dụng nhân viên (aptitude test) để có sự chuẩn bị kĩ càng cho vòng testing của 2 Big này.
Vòng phỏng vấn nhóm:
Đối với Deloitte, các chủ đề thường liên quan đến nghiệp vụ. Ngược lại, các chủ đề trong phỏng vấn nhóm của PwC thường rộng, chủ yếu sẽ sử dụng SWOT để giải quyết vấn đề (tuy nhiên, không phải lúc nào sử dụng SWOT cũng hiệu quả!). Để chuẩn bị tốt cho vòng phỏng vấn nhóm, các bạn sinh viên nên tìm hiểu về các kĩ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở một kiểm toán viên tiềm năng. Đầu tiên đó là kĩ năng giao tiếp và đặt câu hỏi. Nghề kiểm toán đòi hỏi phải giao tiếp thường xuyên với khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên nên kĩ năng giao tiếp là một yếu tố không thể thiếu. Ngoài ra, khi bản thân có thắc mắc cần giải đáp (vấn đề rất thường gặp đối với nhân viên mới), người làm kiểm toán cần biết cách diễn giải và giải thích câu hỏi của mình sao cho đồng nghiệp và cấp trên có thể hiểu được và đưa ra lời khuyên một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, trong vòng phỏng vấn nhóm, nhà tuyển dụng luôn chú ý đến những thành viên biết lắng nghe và sẵn sàng hợp tác với nhóm cùng hướng đến một mục đích chung.
Vòng Work simulation (dành riêng cho KPMG):
Diễn ra trong 3 giờ. Vòng này chủ yếu sẽ kiểm tra kĩ năng phản ứng với khách hàng. Nhà tuyển dụng sẽ đóng vai các khách hàng khó tính, đòi hỏi thí sinh phải biết cách giao tiếp và diễn đạt ý hiệu quả để làm hài lòng khách hàng. Sau đó, thí sinh được phát laptop và được yêu cầu ghi ra từng bước kiểm toán từng phần hành. Cuối cùng, thí sinh được yêu cầu thể hiện khả năng tư vấn kinh doanh trong trường hợp khách hàng có nhu cầu.
Vòng phỏng vấn cá nhân:
Các thí sinh sẽ nói chuyện từ 10 đến 30 phút với Manager hoặc cấp cao hơn của các công ty. Các câu hỏi thường xoay quanh CV, dự định nghề nghiệp trong tương lai,… Rất nhiều kinh nghiệm được chia sẻ đối với vòng phỏng vấn cá nhân, trong đó những bí quyết nổi bật mà các bạn sinh viên cần ghi nhớ là:
- Phải nhớ những gì đã ghi trong CV. Không nên quá khuếch trương về bản thân lúc làm CV, vì tất cả sẽ thể hiện trong buổi phỏng vấn cá nhân.
- Nếu bạn có điểm yếu về một kĩ năng hoặc vấn đề chuyên môn nào đó, hãy khéo léo dẫn dắt cuộc nói chuyện theo ý mình.
- Là chính mình. Đừng cố gắng nói dối hay tạo ra một câu chuyện không có thật về bản thân mình, bởi vì áp lực của các câu hỏi liên tiếp sau đó có thể sẽ tố cáo sự không chân thật đó.
- Tiếng Anh tốt là một lợi thế: Hầu hết công việc trong Big 4 được xử lý bằng tiếng Anh do đó khả năng về tiếng Anh của các bạn phải thực sự khá. Ở khía cạnh này nhà tuyền dụng sẽ đánh giá các bạn qua khả năng sử dụng ngôn ngữ hơn là việc phải nói tiếng Anh như gió hay viết chuẩn ngữ pháp 100%. Nhiều bạn không phải quá giỏi về tiếng Anh học thuật nhưng lại tự tin sử dụng nó như một công cụ giao tiếp, những bạn đó sẽ được đánh giá tốt.
(Theo blognhansu.net)
0 Response to "Kinh nghiệm thi tuyển vào Big4"
Đăng nhận xét