Quy trình kiểm toán khoản mục chi phí hoạt động trong kiểm toán Báo cáo tài chính do kiểm toán PKF Việt Nam thực hiện
CHƯƠNG I: THỰC TRẠNG QUY TRÌNH KIỂM TOÁN
KHOẢN MỤC CHI PHÍ HOẠT ĐỘNG TRONG KIỂM TOÁN
BÁO CÁO TÀI CHÍNH DO CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN PKF
VIỆT NAM THỰC HIỆN
. Mục tiêu kiểm toán khoản mục chi phí hoạt động trong kiểm toán Báo cáo tài chính do Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam thực hiện
Chi phí hoạt động là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh của mọi loại doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp như doanh nghiệp thương mại, các tập đoàn sản xuất, các Công ty xây dựng… Chi phí hoạt động là chi phí gián tiếp ảnh hưởng lớn đến kết quả thu được trong kỳ của một doanh nghiệp. Chi phí hoạt động xuất hiện trên báo cáo kết kinh doanh của doanh nghiệp, là một trong các cơ sở để xác định các chỉ tiêu quan trọng, do đó việc phản ánh sai lệch chi phí hoạt động sẽ dẫn đến các chỉ tiêu sau đó như lợi nhuận trước thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế sẽ bị phản ánh lệch lạc.
Với vai trò quan trọng của khoản mục chi phí hoạt động như vậy, do đó trong mọi cuộc kiểm toán, kiểm toán khoản mục chi phí hoạt động luôn được quan tâm đúng mức. Kiểm toán viên cần thực hiện kiểm tra một cách thận trọng để đảm bảo không bỏ qua những sai sót trọng yếu.
Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 – “Mục tiêu và nguyên tắc cơ bản chi phối kiểm toán Báo cáo tài chính” (Ban hành theo quyết định số 120/1999/ QĐ-BTC ngày 27/9/1999 của Bộ Tài chính): “Mục tiêu của cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính là giúp cho kiểm toán viên và công ty kiểm toán đưa ra ý kiến xác nhận rằng Báo cáo tài chính có được lập trên cơ sở Chuẩn mực và Chế độ kế toán hiện hành hoặc được chấp nhận hay không, có tuân thủ pháp luật hiện hành (hoặc được chấp nhận), có tuân thủ pháp luật liên quan và có phản ánh trung thực và hợp lý trên khía cạnh trọng yếu hay không?
Mục tiêu của kiểm toán Báo cáo tài chính còn giúp đơn vị được kiểm toán thấy rõ những tồn tại, sai sót để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng thông tin tài chính của đơn vị”.
Kiểm toán khoản mục chi phí hoạt động là một phần hành cụ thể trong kiểm toán BCTC tại Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam. Do vậy, nhiệm vụ chung của kiểm toán khoản mục chi phí hoạt động là triển khai các chức năng kiểm toán bằng việc vận dụng các phương pháp kiểm toán phù hợp với đặc thù, tính chất của phần hành này trong quy trình kiểm toán.
Theo vậy, mục tiêu của kiểm toán khoản mục chi phí hoạt động mà PKF Việt Nam xác định là kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến nhận xét về tính trung thực hợp lý của việc ghi nhận khoản mục chi phí hoạt động của khách thể kiểm toán nhằm khẳng định cơ sở dẫn liệu liên quan đảm bảo tính đầy đủ, phát sinh, tính chính xác, tính trình bày công bố, tính đúng kỳ cụ thể như sau:
*/Mục tiêu đầy đủ: Mọi nghiệp vụ chi phí bán hàng và chi phí QLDN thực tế phát sinh đều được bao hàm trên Báo cáo kết quả kinh doanh. Trên thực tế thì xu hướng khai giảm chi phí hoạt động thường xảy ra để nhằm làm đẹp tình hình tài chính. Khi thử nghiệm đạt yêu cầu chỉ ra rằng công việc kiểm soát nội bộ không được thực hiện đầy đủ thì kiểm toán viên tập trung vào thử nghiệm cơ bản.
*/Mục tiêu hiện hữu: Mọi nghiệp vụ về khoản mục chi phí hoạt động được ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh thực tế phát sinh.
*/Mục tiêu đúng kỳ: Các chi phí hoạt động được ghi nhận trong kỳ kế toán là phát sinh đúng kỳ đó và phù hợp với doanh thu được ghi nhận của kỳ tương ứng.
*/Mục tiêu định giá: Đảm bảo việc ghi chép và phân bổ các yếu tố chi phí dài hạn là nhất quán và phù hợp
*/Mục tiêu chính xác cơ học: Các con số chi phí hoạt động được tính toán một cách chính xác, số liệu tổng cộng trên các sổ chi tiết khớp đúng với sổ Cái chi phí hoạt động. Các con số chuyển sổ sang trang, cộng dồn là thống nhất.
*/Mục tiêu trình bày và công bố: Các tài khoản chi phí hoạt động được trình bày trên BCTC, thuyết minh Báo cáo tài chính là phù hợp
1.2. Đặc điểm kế toán khoản mục chi phí hoạt động ở khách thể kiểm toán của Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam ảnh hưởng tới kiểm toán
1.2.1. Đặc điểm chung về khoản mục chi phí hoạt động ở các khách thể kiểm toán của Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam
Chi phí hoạt động tại một khách hàng của PKF Việt Nam thường bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Để hoạt động trong một doanh nghiệp, một tổ chức diễn ra bình thường, vận hành tốt thì cần thiết phải có hệ thống cán bộ và hệ thống các phương tiện quản lý. Các chi phí bỏ ra để nhằm cho cỗ máy quản lý đó hoạt động giúp cho doanh nghiệp, tổ chức thực hiện được các chức năng nhiệm vụ của mình để tồn tại và phát triển.
Khi doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm, hay khi doanh nghiệp mua hàng hóa về để trao đổi. Nếu như khâu tiêu thụ ngưng lại, thì tất yếu dẫn đến việc tiếp tục tái đầu tư là không thể, từ đó làm ngưng trễ mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Chi phí hoạt động là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là những chi phí xảy ra trong kỳ hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, là những chi phí gián tiếp và không trực tiếp liên quan đến quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm.
Chi phí hoạt động xuất hiện trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được trong kỳ. Vì vậy các nhà quản lý doanh nghiệp có nhiệm vụ phải giải quyết đó là xác định xem nên tiết kiệm chi phí hoạt động đến mức nào để không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh mà vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động như bình thường.
Chi phí bán hàng là những khoản chi phí phát sinh có liên quan đến hoạt động tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, lao vụ, dịch vụ trong kỳ như chi phí bao gói, phân loại, vận chuyển, bảo hành sản phẩm, hoa hồng trả cho đại lý bán hàng… Toàn bộ chi phí bàn hàng được kết chuyển và trừ vào kết quả trong kỳ
Chi phí bán hàng tại các khách hàng của PKF Việt Nam được chi tiết theo qui định BTC bao gồm các loại cụ thể như sau:
Thứ nhất – Chi phí nhân viên: Đây là khoản chi phí tiền lương chính, tiền lương phụ và các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương. Các khoản tính cho quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… của nhân viên bán hàng, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, bốc dỡ hàng hóa tiêu thụ.
Thứ hai – Chi phí vật liệu, bao bì: Bao gồm các chi phí vật liệu liên quan đến bán hàng chẳng hạn vật liệu bao gói, vật liệu dùng cho lao động của nhân viên, vật liệu dùng cho sửa chữa quầy hàng…
Thứ ba – Chi phí dụng cụ, đồ dùng: Là các chi phí cho dụng cụ cân, đo, đong, đếm, bàn ghế, máy tính cầm tay… phục vụ cho bán hàng
Thứ tư – Chi phí khấu hao tài sản cố định: Là toàn bộ chi phí khấu hao TSCĐ ở bộ phận bán hàng (nhà cửa, kho tàng, phương tiện vận chuyển…)
Thứ năm – Chi phí bảo hành sản phẩm: Là chi phí chi cho sản phẩm trong thời gian được bảo hành theo hợp đồng.
Thứ sáu – Chi phí dịch vụ mua ngoài: Là các chi phí dịch vụ mua ngoài sửa chữa TSCĐ, tiền thuê kho, thuê bãi, tiền thuê bốc vác, vận chuyển hàng hóa để tiêu thụ, tiền hoa hồng cho đại lý bán hàng, cho đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu…
Thứ bảy – Chi phí bằng tiền khác: Là các chi phí khác phát sinh trong khi bán hàng, ngoài các chi phí kể trên như: chi phí tiếp khách ở bộ phận bán hàng, chi phí giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, quảng cáo, chào hàng, chi phí hội nghị khách hàng…
Chi phí quản lý doanh nghiệp là những khoản chi phí liên quan chung đến toàn bộ hoạt động của cả doanh nghiệp mà không tách riêng ra được cho bất kỳ một hoạt động nào. Chi phí quản lý doanh nghiệp tại các khách hàng của PKF Việt Nam cũng bao gồm nhiều loại như chi phí quản lý kinh doanh, quản lý hành chính và chi phí chung khác. Tuân thủ theo qui định của BTC tại các đơn vị này chi phí quản lý doanh nghiệp được chi tiết thành:
Thứ nhất – Chi phí nhân viên quản lý: Gồm các khoản tiền lương, các khoản phụ cấp, BHXH, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của Ban giám đốc, nhân viên quản lý ở các phòng ban của doanh nghiệp.
Thứ hai – Chi phí vật liệu quản lý: Phản ánh giá trị vật liệu xuất dùng cho công tác quản lý doanh nghiệp như giấy, bút mực, vật liệu sử dụng cho việc sửa chữa tài sản cố định, công cụ, dụng cụ…
Thứ ba – Chi phí đồ dùng văn phòng: Phản ánh giá trị dụng cụ, đồ dùng văn phòng dùng cho công tác quản lý.
Thứ tư – Chi phí khấu hao TSCĐ: Phản ánh chi phí khấu hao tài sản cố định dùng chung cho doanh nghiệp như nhà cửa làm việc của các phòng, ban, kho tàng, vật kiến trúc, phương tiện truyền dẫn, máy móc thiết bị quản lý dùng tại văn phòng.
Thứ năm – Thuế, phí và lệ phí: Phản ánh các khoản chi phí về thuế, phí và lệ phí như thuế môn bài, thuế nhà đất, các khoản phí, lệ phí khác.
Thứ sáu – Chi phí dự phòng: Phản ánh khoản dự phòng phải thu khó đòi tính vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ bảy – Chi phí dịch vụ mua ngoài: Chi phí này phản ánh các chi phí về dịch vụ mua ngoài, thuê ngoài như: tiền điện, nước, điện thoại, điện báo, thuê nhà, thuê sữa chữa TSCĐ thuộc văn phòng doanh nghiệp, chi phí kiểm toán, tư vấn.
Thứ tám – Chi phí bằng tiền khác: Phản ánh các chi phí khác thuộc quản lý chung của danh nghiệp ngoài các chi phí kể trên như chi phí hội nghị, tiếp khách…
1.2.2. Hạch toán chi phí hoạt động tại khách thể của Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam
Khách thể của Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam bao gồm các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước khác… Việc hạch toán chi phí hoạt động tại các khách thể của PKF Việt Nam đều tuân thủ theo những nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận phổ biến, đồng thời đồng nhất với các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán do Bộ tài chính ban hành, các văn bản pháp luật có liên quan.
Nhìn chung, tại tất cả các khách thể kiểm toán của Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam hạch toán chi phí hoạt động là như nhau.
http://yadi.sk/d/Nq-SH1Tm4_FII
0 Response to "Quy trình kiểm toán khoản mục chi phí hoạt động trong kiểm toán Báo cáo tài chính do kiểm toán PKF Việt Nam thực hiện"
Đăng nhận xét